Để giúp quý khách hàng hiểu rõ hơn về các loại phụ phí cướcvà phụ phí địa phương mà các hãng tàu và đại lý hãng tàu thu hiện nay, chúng tôi xin được hệ thống lại một số chi phí thường gặp như sau:
- D/O (Delivery Order) - Phí làm lệnh giao hàng:
Đây là phí mà hãng tàu và đại lí hãng tàu thu để phát hành lệnh giao hàng cho khách hàng. Khi có đơn hàng nhập khẩu vào Việt Nam thì hãng tàu và đại lý hãng tàu sẽ gửi thông báo hàng đến và phát hành D/O cho khách hàng của mình.
- Bill (Bill of lading) - Phí làm Bill:
Chi phí để hãng tàu và đại lí hãng tàu phát hành bill of lading. Khi hàng được giao hoàn thành lên tàu thì chủ tàu và người đại diện của chủ tàu phải phát hành bill of lading để chứng nhận đã nhận vận chuyển lô hàng cụ thể nào đó trên chuyến tàu của mình cho khách hàng.
- THC (Terminal handling charge) - Phí làm hàng tại cầu cảng:
Chi phí làm hàng tại cầu cảng thu theo mỗi container để bù đắp vào chi phí xếp dỡ, luân chuyển container từ bãi trung tâm ra cầu cảng đối với hàng xuất và từ cầu tàu vào bãi trung tâm đối với hàng nhập. Chi phí này do cảng thu trực tiếp từ hãng tàu và hãng tàu sẽ thu lại khách hàng của mình. Như vậy, đối với phí này thì hãng tàu và đại lí hãng tàu chỉ thu hộ cho cảng.
- CIC (Container imblance charge) - Phí mất cân bằng vỏ container:
Đây là một loại phụ phí cước biển mà các hãng tàu chợ thu để bù đắp chi phí phát sinh từ việc điều chuyển (re-position) một lượng lớn container rỗng từ nơi thừa đến nơi thiếu.
Những nơi thừa vỏ thường là các quốc gia thâm hụt thương mại lớn, chẳng hạn như Mỹ, EU, hay Việt Nam). Lượng container hàng nhập vào lớn hơn lượng xuất khẩu dẫn tới một lượng lớn vỏ container tồn lại. Theo thống kê, hiện có tới vài trăm nghìn vỏ container nằm tại các cảng của Mỹ do thiếu nhu cầu sử dụng để đóng hàng xuất khẩu.
Trong khi đó, ngược lại ở một số quốc gia khác (chẳng hạn như Trung Quốc, Ấn Độ) lượng container hàng xuất khẩu lại lớn hơn nhiều so với lượng container hàng nhập vào. Và như vậy tình trạng thiếu vỏ đóng hàng xảy ra, nếu không có biện pháp bù đắp.
Việc thừa hay thiếu vỏ container ở mức độ nào đó là điều xảy ra thường ngày. Có lẽ khó có hãng tàu nào đảm bảo đủ vỏ tuyệt đối tại các cảng, các quốc gia. Và thường thì hãng tàu phải bỏ chi phí để điều vỏ rỗng để đảm báo đủ thiết bị cung cấp cho khách hàng. Hãng tàu có riêng một bộ phận chuyên trách (gọi là Bộ phận quản lý thiết bị - Equipment Control) trong việc theo dõi, tính toán việc chuyển rỗng sao cho hợp lý nhất để giảm thiểu chi phí.
Tuy nhiên, khi sự mất cân đối trở nên nghiêm trọng, và chi phí chuyển rỗng lớn, hãng tàu tìm cách bù đắp chi phí này từ khách hàng. Đó là lý do ra đời của Phụ phí mất cân đối vỏ container, hay phụ phí điều vỏ rỗng.
Phụ phí này thường thu một mức nhất định cho một container, và có thể chỉ áp dụng vào từng giai đoạn, cho hàng đi từng tuyến. Nói cách khác, về lý thuyết, hãng tàu chỉ thu phụ phí này khi có sự phát sinh chi phí lớn trong việc chuyển vỏ container từ nơi này đến nơi khác.
Tại Việt Nam phí CIC chỉ áp dụng cho hàng nhập.
- Cleaning fee - Phí vệ sinh container:
Phí vệ sinh container rỗng sau khi hàng nhập khẩu được dỡ khỏi container.
Phí này áp dụng cho hàng nhập và tính theo mỗi container.
- CFS (Container freight station) - Phí khai thác hàng lẻ tại kho:
Phí này chỉ áp dụng cho hàng lẻ (LCL) và tính theo từng khối hàng. Khi hàng hóa không nguyên container xuất đi nước ngoài, đại lí gom hàng lẻ sẽ tập kết hàng vào kho CFS của cảng sau đó đóng hàng vào container. Ngược lại với hàng nhập, sau khi container nhập về được đưa vào bãi trung tâm, đại lí gom hàng lẻ sẽ làm thủ tục để mở container và đưa hàng vào kho CFS để khách hàng làm thông quan và lấy hàng tại kho. Đại lí hãng tàu thu CFS để bù đắp vào chi phí này.
Phí CFS áp dụng cho cả hàng nhập và xuất.
- Handling fee - Phí dịch vụ đại lý:
Phí này áp dụng cho từng lô hàng, không phụ thuộc vào số lượng hàng vận chuyển trong lô hàng. Khi khách hàng có đơn hàng nhập khẩu cần vận chuyển thì đại lí hãng tàu sẽ tiếp nhận thông tin, liên hệ với nhà cung cấp để nhận hàng và vận chuyển về cảng đích theo yêu cầu của khách hàng theo đúng lịch trình, phát hàng bill, trình Manifesh, làm D/O, ... đồng thời thanh toán hộ các chi phí cho hãng tàu. Sau tất cả quá trình đó, đại lí hãng tàu sẽ thu phí làm dịch vụ từ phía khách hàng, còn tất cả các chi phí khác trên nguyên tắc và chi hộ và thu hộ.
Phí này chỉ áp dụng cho hàng nhập khẩu vào Việt Nam.
- Telex release fee - Phí điện giao hàng:
Phí này áp dụng cho hàng xuất và cho từng đơn hàng cụ thể. Để thuận tiện cho việc nhận hàng của nhà nhập khẩu, người xuất khẩu yêu cầu được lấy bill surrender từ phía hãng tàu mà không cần bill gốc. Khi hàng đến cảng đích, hãng tàu/đại lí hãng tàu tại đầu xuất làm điện giao hàng (fax, email, thư điện tử, ...) để thông báo cho hãng tàu/đại lí hãng tàu tại đầu nhập được phép giao hàng cho người nhập khẩu mà không yêu cầu người nhận hàng phải xuất trình bill gốc. Để bù đắp vào chi phí làm điện này mà hãng tàu/đại lí hãng tàu thu phí telex release.
Phí telex release chỉ áp dụng cho hàng xuất và áp dụng cho bill surrender.
- EBS (Emmergency banker surcharge) - Phụ phí biến động giá nhiên liệu:
Phí này áp dụng cho mỗi container (đối với hàng FCL) và cho mỗi khối hàng (đối với hàng LCL). Do sư biến động của giá nhiên liệu làm phát sinh chi phí trong quá trình vận chuyển nên hãng tàu thu phí này để cân đối chi phí vận chuyển.
Các thuật ngữ tương đương:
BAF: Bunker adjustment factor
FAF: Fuel adjustment factor
Phụ phí này chỉ áp dụng cho các đơn hàng xuất đi các nước thuộc khu vực Châu Á.
- AMS (Advanced manifest system) - Phí khai báo chi tiết hàng hóa:
Phí này áp dụng cho hàng hóa xuất vào thị trường Mỹ, Canada và một số nước khác. Hải quan Mỹ, Canada bắt buộc hàng hóa phải được khai báo chi tiết trước khi lên tàu xuất đi nước của họ.
Phí này được tính theo từng lô hàng.
-ISF (Importer security filing) - Phí kê khai an ninh cho nhà nhập khẩu:
Ngoài việc phải kê khai thông tin hải quan Mỹ tự động, thì tháng 1 - 2010 hải quan Mỹ và cơ quan bảo vệ biên giới Mỹ đã chính thức áp dụng thêm kê khai an ninh cho nhà nhập khẩu.
-LSS (Low sulphur surcharge) - Phụ phí nhiên liệu:
Loại phí này được các hãng tàu thu để tuân theo qui định chung của Tổ chức Hàng Hải Quốc Tế (IMO) từ năm 2012 nhằm giảm thiểu lượng khí thải từ nhiên liệu chứa sulfur của các tàu chở hàng.